Dù khiếm khuyết về đôi mắt nhưng chị Dung được bù lại bằng thứ khác tuyệt vời hơn rất nhiều lần. Câu chuyện về chị khiến người ta một lần nữa tin vào câu n…
Dù khiếm khuyết về đôi mắt nhưng chị Dung được bù lại bằng thứ khác tuyệt vời hơn rất nhiều lần. Câu chuyện về chị khiến người ta một lần nữa tin vào câu nói: Ông trời chẳng lấy hết của ai thứ gì.
Còn gì bất tiện hơn là mất đi đôi mắt của mình? Không thể nhìn thấy được mọi thứ, tất cả chỉ có thể cảm nhận bằng xúc giác, thính giác và nguy hiểm luôn luôn rình rập. Người không may bị khiếm thị, họ không chỉ bị thiệt thòi về nhiều thứ mà còn phải đối mặt với những sự kỳ thị, lời nói mang tính sát thương cao từ những người xung quanh.
Chị Lê Thị Kim Dung (sinh năm 1984, Sơn Tây, Hà Nội) cũng là một người bị khiếm thị. Vào năm 2002, chị nhận thấy mắt mình dần kém đi khi đang theo học tại một trường THPT. Chạy chữa khắp nơi vẫn không tốt hơn, bệnh viện Mắt Trung ương đã kết luận mắt chị bị khiếm thị, nhãn cầu bị teo. Ở cái tuổi 18 đầy mộng mơ và nhiều hoài bão, nhận được tin này chẳng khác nào cánh cửa tương lai đóng sầm trước mặt. Ngay cả ngày và đêm chị cũng không thể phân biệt được.

Đôi mắt của chị Dung đã không còn khả năng nhìn thấy khi chị 18 tuổi. Ảnh Vietnamnet
Quyết định theo học chữ Braille – hệ thống chữ nổi dành cho người mù, người khiếm thị. Chị không muốn trở thành gánh nặng của gia đình nên bắt đầu tìm kiếm công việc để có tiền trang trải chi phí học hành. Thời điểm này, có công việc xoa bóp, bấm huyệt là phù hợp vì chủ yếu dùng tay chân và dùng lực thay vì dùng mắt. Chị nói: “Tôi luôn nghĩ mình phải làm gì đó, ít nhất là tự nuôi sống được bản thân. Khi được thông báo có lớp dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt cho người khiếm thị, tôi đã đăng ký. Đây là lớp nghề sơ cấp do các giảng viên của trường Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh trực tiếp hướng dẫn”, chị nói.
Đến với công việc này, thời gian đầu cũng chẳng dễ dàng gì khi tay chân hoạt động liên tục khiến chị mệt mỏi, không tránh được cảm giác muốn bỏ việc. Nhưng xét thấy bản thân không thể dễ dàng buông bỏ vì nếu không làm công việc này, chị chẳng còn biết làm gì để ra tiền. Nghĩ vậy, chị càng cố gắng nhiều hơn và kiên trì để nâng cao tay nghề.
Nhờ vậy mà cuối năm 2002, chị đã cầm trên tay số tiền đầu tiên mình kiếm được. Điều này đã giúp cho cô gái khiếm thị mang nhiều mặc cảm đã có thêm niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Rằng mình hoàn toàn có thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân, là người có ích cho gia đình và xã hội. “Trước đây, có những lúc tuyệt vọng, tôi không biết mình phải làm gì để ra tiền và nghĩ cả đời sẽ phải sống phụ thuộc vào người khác. Tìm được hướng đi, công việc phù hợp đã làm tôi tự tin hơn”, chị nói.

Chị Dung hạnh phúc bên chồng. Ảnh Vietnamnet
Mang trong lòng nhiều mặc cảm, chị nào dám mơ tưởng đến tình yêu. Lúc này chị chỉ nghĩ nếu thật sự may mắn, mình sẽ gặp được một người khuyết tật nhưng không phải ở đôi mắt mà về tay, chân để 2 người có thể nương tựa vào nhau. “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, có ngày, mình được một người đàn ông bình thường, lành lặn để ý. Đặc biệt hơn là anh ấy còn tỏ tình”, chị Dung chia sẻ.
Duyên phận đưa đẩy chị gặp Phạm Văn Tuyến (SN 1980) khi anh đang đóng quân gần nhà chị ở Sơn Tây. Anh Tuyến chơi thân với người anh họ của chị Dung, lần đầu gặp anh đã nhận định chị là một người vô tư, dễ thương. Tình yêu của họ lớn dần, chị Dung cũng không dám nhận tình cảm này vì trong lòng mang nhiều lo lắng, mặc cảm.

Chị Dung đã mạnh mẽ vượt lên số phận, làm chủ cuộc đời. Ảnh Vietnamnet
Gia đình anh Tuyến biết chuyện ra sức ngăn cản, gây khó dễ khiến anh chịu không ít áp lực. Thế nhưng tình cảm quá lớn, anh dần thuyết phục được gia đình và năm 2008, 2 anh chị kết hôn. Giờ đây mái ấm đã có 4 thành viên, 2 vợ chồng anh chị và đứa con xinh xắn, kháu khỉnh. Anh hết lòng yêu thương vợ, thay chị làm hết mọi việc trong nhà để vợ được yên tâm. Về phần chị Dung, chị mở tiệm vật lý trị liệu và nhận đào tạo học viên, cung cấp chỗ ăn, ở và trả lương. Trước sự nhiệt tình và tốt bụng của chị, mọi người đến đây đều cảm thấy vui vẻ và thoải mái.
Nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ, không khuất phục số phận, chị Dung đã có được cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay. Dẫu đối diện với biến cố cuộc đời, thay vì tránh né hay tuyệt vọng, chị quyết tâm thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Không những vậy, chị còn giúp những người có hoàn cảnh giống mình được cơ hội để thay đổi, tạo công ăn việc làm và giúp họ có thêm chi phí trang trải cho cuộc sống.

Ảnh Vietnamnet
Số phận của mỗi người phải phụ thuộc vào chính bản thân người đó, tốt đẹp hay không đều do tự mỗi người chọn lấy. Vì vậy đừng bao giờ tin vào phán đoán của người ngoài hay bỏ mặc cho cuộc đời. Chị Dung nếu như không có sự cố gắng bằng chính sức lực và tinh thần của mình thì chắc chắn không thể nào có được cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay.
Nguồn tham khảo: Vietnamnet
Nguồn: https://www.webtretho.com/f/nang-40/so-phan-co-gai-khiem-thi-khien-chong-dep-trai-cai-cha-me-quyet-lay-cho-duoc-ong-troi-cong-bang